Rối loạn trầm cảm

Thế nào là Rối loạn trầm cảm?

Rối loạn trầm cảm rất phổ biến. Ngoài Rối loạn lo âu ra thì Trầm cảm là nguyên nhân số một mà người mắc bệnh tìm đến bác sỹ tâm thần và chuyên gia tâm lý để điều trị. Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người mắc bệnh phải về hưu sớm. Ở trên thế giới, Trầm cảm xếp hạng thứ hai – sau bệnh tim mạch, các nguyên nhân làm rút ngắn thời gian sống bởi vì bệnh tật. Trầm cảm thuộc các Rối loạn cảm xúc. Trầm cảm hơn những tâm trạng buồn rầu mà thỉnh thoảng xuất hiện và những cảm giác mệt mỏi ngắn ngủi. Những triệu chứng chính bao gồm những một tâm trang biến đổi chuyển sang buồn chán, thiếu sự thích thú với những việc mà trước kia quan trọng với họ, thiếu động lực và hay tự trách móc bản thân.

Triệu chứng của Rối loạn trầm cảm

Các triệu chứng của Rối loạn trầm cảm rất đa dạng và được chia thành 3 triệu chứng chính và nhiều triệu chứng phụ theo Phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD – 10) chương F – các rối loạn tâm lý.

Các triệu chứng chính là:

  • Tâm trạng buồn chán
  • Mất đi sự thích thú và cảm giác thiếu niềm vui
  • Động lực thực hiện các hoạt động giảm đi, cảm thấy mệt mỏi hơn, hạn chế thực hiện các hoạt động

Các triệu chứng phụ có thể là:

  • Rối loạn giấc ngủ: khó rơi vào giấc ngủ và ngủ ngon giấc
  • Giảm sự tập trung
  • Giảm sự tự tôn và sự tự tin
  • Cảm giác tội lỗi và cảm thấy mình vô giá trị
  • Cái nhìn tiêu cực và bi quan về tương lai
  • Suy nghĩ tự tử hoặc sự tự tổn thương bản thân hoặc đã thực hiện hành động tự sát
  • Cảm giác thèm ăn tăng hoặc giảm

Rối loạn trầm cảm còn có thể bao gồm cả các triệu chứng thể lý như:

  • Sự tỉnh thức quá sớm vào buổi sáng, hai hoặc vài tiếng trước giờ tỉnh dậy thông thường
  • Tâm trạng buồn chán vào buổi sáng và về buổi tối tốt lên một chút
  • Sự kích động/ức chế tâm lý / Sự tăng động/giảm sút trong chuyển động/hành động
  • Giảm cảm giác thèm ăn rõ ràng
  • Giảm cân, thường giảm 5% cân nặng cơ thể trong vòng một tháng
  • Giảm nhu cầu tình dục

Nếu hai trong ba triệu chứng chính, cùng với ít nhất hai triệu chứng phụ, kéo dài hai tuần vào hầu hết các ngày thì rối loạn trầm cảm được chẩn đoán ở người đó. Nếu càng nhiều triệu chứng chính và phụ được biểu hiện thì mức độ trầm cảm càng nặng.

Sự nhận thức về các triệu chứng của rối loạn trầm cảm giữa các nền văn hóa và cộng đồng có sự khác biệt. Trong một nghiên cứu tại các Trung tâm tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức (ở bệnh viện trường đại học Y Charité và Königin Elisabeth Herzberge), kết quả cho thấy rằng bệnh nhân người Việt với rối loạn trầm cảm thường có nhiều triệu chứng thể lý (đặc trưng là đau đầu, đau lưng, đau khớp, cảm giác hoa mắt chóng mặt) hơn so với bệnh nhân người Đức trong nhóm người nghiên cứu đó. Ngoài những triệu chứng thể lý đó, họ còn đến bác sỹ tâm thần hoặc bác sỹ đa khoa với những triệu chứng như: giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung.

Quá trình phát triển và sự phổ biến

Nguy cơ mắc rối loạn tâm lý trong suốt cuộc đời là khoảng 20%. Điều đó có nghĩa là có đến một trong năm người mắc rối loạn trầm cảm ít nhất một lần trong đời. Hiện tại ở Đức có ba triệu người mắc rối loạn trầm cảm mà cần được chữa trị. Ở Việt Nam ước tính cũng có đến ba triệu dân mắc rối loạn trầm cảm. Giới nữ có tỷ lệ người mắc bệnh cao hơn giới nam. Ở mọi độ tuổi chúng ta đều có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm. Tuy nhiên nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm tăng với cùng với độ tuổi. Nếu người thân mắc rối loạn trầm cảm thì người đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn một chút.

Quá trình phát triển của Rối loạn trầm cảm là như thế nào?

Rối loạn trầm cảm thường phát triển theo giai đoạn. Những giai đoạn lâm bệnh đầu tiên thường diễn ra trong một khoảng thời gian có giới hạn và có thể tự biến đi mà không cần chữa trị tâm lý. Thậm chí có những trường hợp mà người ta chỉ trải qua một giai đoạn trầm cảm trong cuộc đời. Một số bệnh nhân – đặc biệt là những người với nhiều giai đoạn trầm cảm, có thể mắc rối loạn trầm cảm mãn tĩnh. Những người đó có những triệu chứng nặng vừa phải nhưng chúng kéo dài suốt hai năm. Triệu chứng đó thường là sự thiếu động lực và sức bền giảm sút. Hơn nữa giai đoạn trầm cảm có thể là xuất hiện trong „Rối loạn cảm xúc lưỡng cực“. Ngoài giai đoạn trầm cảm, giai đoạn hưng cảm hoặc giai đoạn hưng cảm nhẹ còn xuất hiện trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Những hậu quả của Rối loạn trầm cảm là gì?

Triệu chứng của rối loạn trầm cảm có ảnh hưởng nặng nề đến trạng thái sức khỏe và tâm lý của con người. Rối loạn trầm cảm hạn chế các hoạt động thường nhật, công việc làm, các mối quan hệ xã hội và qua đó cả khả năng làm việc của người mắc bệnh. Hơn nữa trong một giai đoạn trầm cảm, nguy cơ tự tử tăng lên. Vì vậy chúng ta nên tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi có suy nghĩ tự tử.

Nhiều căn bệnh thể lý, đặc biệt là các căn bệnh mãn tĩnh có thể có biểu hiện triệu chứng của rối loạn trầm cảm hoặc tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm. Ngược lại, bệnh nhân mắc rối loạn trầm cảm có nguy cơ mắc các căn bệnh thể lý cao hơn. Trong giai đoạn trầm cảm các căn bệnh khác sẽ đồng thời chồng chất xuất hiện hoặc sẽ nặng lên. Đó có thể là bệnh tim mạch, huyết áp cao, bệnh viêm nhiễm, hen suyễn, dị ứng, tiểu đường, chứng đau nửa đầu.

Có những cách điều trị nào?

Tốt nhất là chúng ta không nên để rối loạn trầm cảm phát triển hoàn chỉnh. Rối loạn trầm cảm có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp như học cách đối phó với sự căng thẳng, tìm được sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống, thiết lập mạng xã hội vững chắc, hoạt động thể thao hoặc các phương pháp tĩnh tâm.

Các liệu pháp trị liệu bao gồm trị liệu dược lý, trị liệu tâm lý và các biện pháp tâm lý-xã hội. Có nhiều loại dược phẩm với ít tác dụng phụ và chống trầm cảm một cách hiệu quả. Đó là thuốc ngăn hấp thụ serôtônin có chọn lọc (SSRIs) như Sertralin, Escitalopram), thuốc ngăn hấp thụ serôtônin và noradrênalin có chọn lọc (SSNRI) như Venlafaxin, Duloxetin. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ đối kháng thụ thể Alpha-2 như Mirtazapin cũng được sử dụng.

Trị liệu tâm lý, đặc biệt là liệu pháp nhận thức – hành vi, cho thấy có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị rối loạn trầm cảm. Những liệu pháp hỗ trợ cho trị liệu tâm lý như trị liệu thủ công, trị liệu xã hội, điều dưỡng tại nhà cũng có vai trò quan trọng trong việc chữa trị bệnh. Hơn nữa những nhóm người bệnh hỗ trợ lẫn nhau, mô hình sinh sông có người trông coi hay điều dưỡng một mình, các hoạt động thể thao cũng như công việc làm là những biện pháp hỗ trợ, giúp không tái phát bệnh.

Nếu một người mắc rối loạn trầm cảm thì điều đó cũng có ảnh hưởng đến gia đình và người thân. Người thân nên hành động khích lệ và đông cảm với những triệu chứng của người bệnh như sự thiếu động lực, sự mệt mỏi, tâm trạng buồn chán và nhiều lời nói tiêu cực. Cách cư xử như vậy sẽ khó cho người thân vì nhiều khi họ không hiểu được trạng thái trầm cảm của người bệnh như thế nào và sự thiếu năng lượng cũng như khả năng không thể cảm nhận được niềm vui cũng ảnh hưởng đến người thân. Những hậu qua liên quan đến các mối quan hệ xã hội của rối loạn trầm cảm như những mâu thuẫn trong gia đình và các mối quan hệ nói chung, sự từ chối những ý kiến, các suy nghĩ tiêu cực, nên được bàn đến với chuyên gia tâm lý để hai người có thể cùng nhau tìm ra giải pháp và để có thể hiểu nhau hơn. Nhiều khi người thân có thể tìm được sự trợ giúp từ nhóm những người thân có người nhà mắc rối loạn tâm lý. Sự chẩn đoán kịp thời, điều trị kiên định, trị liệu tâm lý, sự hỗ trợ tâm lý – xã hội cũng như có mạng lưới xã hội ổn định sẽ có tác dụng tích cực đến quá trình chữa khỏi bệnh.

Dựa vào một bài viết của:

BS CK TS Tạ Thị Minh Tâm (Chuyên gia tâm lý lâm sàng, Charité CBF)

Tài liệu tham khảo:

Dreher, A. et al. Cultural differences in symptom representation for depression and somatization measured by the PHQ between Vietnamese and German psychiatric outpatients. J Psychosom Res. 102, 71-77 (2017).
Wolf, S. et al. Migration-related stressors and their effect on the severity level and symptom pattern of depression among Vietnamese in Germany. Depression research and treatment (2017).
Otte, C. et al. Major depressive disorder. Nature Review Disease Primer 2 (2016).
Patientenleitlinie zur Nationalen Versorgungsleitlinie Depression, 2. Auflage (2016). verfügbar