Chú giải thuật ngữ

Bedarfsgemeinschaft (BG)

hộ gia đình nhận trợ cấp. Hộ gia đình nhận trợ cấp (thất nghiệp) chỉ một nhóm người cùng chung sống trong một căn hộ, và những người này có chung đụng với nhau về mặt tài chính (vd. về mặt ăn, ở). Nhu cầu cần trợ cấp của các thành viên trong trong hộ sẽ được tính chung lại. Có một người thay mặt hộ nhận tiền trợ cấp cho mình và các thành viên khác.
Mỗi hộ nhận trợ cấp có một số hiệu riêng. Trong tiếng Đức gọi là Bedarfsgemeinschaft Nummer (BG-Nr.)

Begleitung

đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ

Begutachtung

giám định. Theo luật của nước công hòa liên bang Đức, những người gặp khó khăn và những người có nguy cơ gặp khó khăn về mặt sức khỏe tâm lý, khuyết tật và có nguy cơ bị khuyết tật về mặt thể chất, tinh thần có quyền nộp đơn nhận sự trợ giúp đặc biệt từ chính phủ. Đại diện là sở Xã Hội ở từng quận nơi người đó sinh sống. Phòng sức khỏe tâm thần (sozialpsychiatrische Dienst) thuộc sở y tế (Gesundheitsamt) nhận trọng trách từ sở xã hội (Sozialamt) trong việc giám định liệu người nộp đơn xin hỗ trợ có đúng là gặp khó khăn hoặc nguy cơ gặp khó khăn về mặt sức khỏe tâm lý, khuyết tật và có nguy cơ bị khuyết tật về mặt thể chất, tinh thần hay không.

Behandlungs- und Rehabilitationsplan (BRP)

kế hoạch điều trị và phục hồi. Mỗi Người, khi nhận hỗ trợ cá nhân tại hộ gia đình (Betreutes Einzelwohnen) sẽ có một bản kế hoạch điều trị và phụ hồi riêng phù hợp với tình trạng sức khỏe, nguyện vọng và nhu cầu cần được hỗ trợ tương ứng. Thông tin qua trao đổi với người cần hỗ trợ ví dụ có thể là qua nói chuyện trực tiếp, sẽ là cơ sở chính để viết lên bản kế hoạch này. Bản kế hoạch hỗ trợ này đề cập đến mục tiêu hỗ trợ ở các vấn đề khác nhau: tổ chức cuộc sống thường nhật, tổ chức nhịp sống trong ngày (Tagesstruktur), việc làm, và những vẫn đề có liên quan đến sức khỏe. Thêm vào đó là những giải pháp thiết thực để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Tùy theo lượng thời gian cần có để hiện thực hóa các mục tiêu, mỗi các nhân sẽ được xếp vào nhóm nhu cầu trợ giúp khác nhau (Hilfebedarfsgruppe)

Beschäftigung

việc làm (hay „trị liệu bằng việc làm“) là một phần vô cùng quan trọng trong chương trình hỗ trợ hội nhập. Nó góp phần tao ra nhịp sống đều đặn hằng ngày. Trị liệu bằng việc làm có thể được diễn ra tại trung tâm huấn luyện lao động (Beschäftigungstagesstätte) hoặc xưởng lao động cho người khuyết tật.

Beschäftigungstagesstätte (BTS)

trung tâm huấn luyện lao động. Trung tâm huấn luyện lao động tạo điều kiện cho người gặp khó khăn về mặt sức khỏe tâm lý làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Người đến sinh hoạt tại trung tâm huấn luyện lao động sẽ làm công việc phù hợp với khả năng và sở thích của họ, dưới sự hướng dẫn cụ thể của nhân viên tại trung tâm. Thông thường một trung tâm huấn luyện lao động sẽ cung cấp việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm sinh hoạt khác nhau và các buổi nói chuyện riêng với từng người đến sinh hoạt tại trung tâm. Trung tâm huấn luyện việc làm đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra nhịp sống đều đặn cho người đến sinh hoạt tại đây. Các ý nghĩa khác của một trung tâm huẩn luyện lao động là: tăng sự bền bỉ, tăng kĩ năng và khả năng lao động, tạo điều kiện cho người tới tham gia mở rộng mối quan hệ xã hội.

Betreutes Einzelwohnen (BEW)

hỗ trợ cá nhân tại hộ gia đình. Đây là một trong các hình thức hỗ trợ Wohnbetreuung (ko có cụm từ tương đương trong tiếng Việt. Xem giải thích cụ thể về Wohnbetreuung). Người nhận sự trợ giúp này sống một mình hoặc cùng người thân tại căn hộ của người đó. Nhân viên xã hội tới thăm hỏi và nói chuyện với người được giúp đỡ tại căn hộ của họ (Hausbesuch). Các cuộc hẹn cũng có thể diễn ra bên ngoài căn hộ tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.

Betreuungsvertrag

hợp đồng giúp đỡ. Đây là văn bản thỏa thuận giữa tổ chức hỗ trợ hội nhập và người gặp khó khăn về mặt sức khỏe tâm lý. Trong bản thỏa thuận này có đề cập đền các điều khoản khác nhau: thời gian bắt đầu sự giúp đỡ, người được giúp đỡ nhận được những sự trợ giúp nào …vv..

Bezugsbetreuer*in

người hỗ trợ chính

Eingliederungshilfe

hỗ trợ hội nhập. Đây là hình thức hỗ trợ này dành cho người có độ tuổi từ 18 trở lên, gặp khó khăn hoặc có nguy cơ gặp khó khăn về mặt thể chất, trí tuệ và tâm thần. Mục đích của hình thức hỗ trợ là: giúp cho những người này sử dụng các điều kiện sẵn có để họ dù có những khó khăn về mặt sức khỏe vẫn có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể và hội nhập vào xã hội. Sự trợ giúp này dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của từng cá nhân.

Fallmanager*in

(không có cụm từ tương đương trong tiếng Việt). Là người đại diện của sở xã hội – đơn vị chi trả cho hình thức hỗ trợ hội nhập. Người này xem xét và quyết định việc một người có nhận được hỗ trợ hội nhập hay không..

Gesetzliche Betreuung

giám hộ về mặt luật pháp. Hình thức giám hộ về mặt luật pháp dành cho những người gặp khó khăn về mặt thể chất, trí tuệ hoặc tâm thần và không có đủ khả năng để tự giải quyết những vấn đề của mình. Người chịu trách nhiệm cho việc giám hộ này được gọi là người giám hộ về mặt luật pháp (rechtlicher Betreuer)

Hilfebedarf

nhu cầu cần giúp đỡ

Hilfekonferenz (HK)

hội nghị giúp đỡ. Đây là một hội đồng bao gồm người đại diện cho sở xã hội (Fallmanager), bác sĩ tâm lý, nhân viên xã hội – người đại điện cho phòng y tế sức khỏe tâm thần (Sozialpsychiatrischer Dienst) thuộc sở y tế, nhân viên của tổ chức giúp đỡ hội nhập, người cần giúp đỡ, người giám hộ về mặt pháp luật (rechtlicher Betreuer) cho người cần giúp đỡ (nếu có). Người cần giúp đỡ bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu cần được giúp đỡ. Mức độ, thời gian, mục tiêu, hình thức trợ giúp sẽ được các bên thảo luận và quyết định trong hội nghị này.

Hilfeplanung

kế hoạch giúp đỡ

Klient*in

người được giúp đỡ

Kontakt- und Beratungsstelle (KBS)

điểm kết nối và tư vấn. Điểm giao lưu và tư vấn dành cho người gặp khó khăn về mặt sức khỏe tâm lý, gia đình của họ cũng như tất cả những ai quan tâm. Tại đây có diễn ra các hoạt động tập thể, như là picnick, các hoạt động thể thao, các sự kiện về văn hóa, âm nhạc, nơi mọi người có thể dành thời gian ranh rỗi của mình và tạo mới hoặc chăm sóc mối quan hệ với những người cùng đến sinh hoạt. Ngoài ra tại đây còn có các buổi tư vấn cá nhân, các nhóm tự giúp đỡ (Selbsthilfegruppen). (Nhóm tự giúp đỡ bao gồm những người có cùng một tình trạng sức khỏe nào đó. Những người này cùng chuyện trò với nhau (dưới sự hướng dẫn của người có kiến thức chuyên môn) về tâm tư, hoàn cảnh của mình, cùng đưa cho nhau lời khuyên để vượt qua các vấn đề, trở ngại do vấn đề về sức khỏe gây ra)

Kostenübernahme (KÜ)

quyết định chi trả. Việc sở xã hội đồng ý chi trả cho cho công tác hỗ trợ hội nhập.

Krisendienst

trung tâm hỗ trợ khẩn cấp. Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp Berlin giúp đỡ và hỗ trợ những người đang trong tình trạng khẩn cấp về mặt tâm lý/thần. Một người có thể liên lạc tìm sự giúp đỡ của trạm cứu hộ này trong trường hợp vd. người đó gặp sang chấn về tâm lý, trầm cảm, có ý định tự vẫn, mắc chứng sợ hãi, hoảng loạn, có vấn đề với chất gây nghiện, có mâu thuẫn với bạn đời hay người trong gia đình. Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay hàng xóm của người cần cứu hộ cũng có thể liên lạc với trạm cứu hộ này xin giúp đỡ cho người đó. Mọi người có thể liên lạc miễn phí với trạm cứu hộ qua đường dây nóng 24/24. Tại Berlin có tới 9 trạm cứu hộ như thê này. Các thông tin từ người liên lạc và người cần giúp đỡ được bảo mật và vô danh hóa.

Therapeutische Wohngemeinschaft(TWG)

khu tập thể trị liệu. Đây là một trong hai hình thức Wohnbetreuung (không có cụm từ tương đương trong tiếng Việt. Xem giải thích cụ thể về Wohnbetreuung). Những người được giúp đỡ sinh sống cùng trong một khu tập thể.

Wohnbetreuer*in

là người giúp đỡ những người gặp khó khăn về mặt tâm lý theo hình thức Wohnbetreuung (không có cụm từ tương đương trong tiếng Việt. Xem giải thích cụ thể về Wohnbetreuung)

Wohnbetreuung (Betreutes Wohnen)

là một hình thức hỗ trợ hội nhập diễn ra tại phạm vi sinh sống của người cần giúp đỡ. Có hai hình thức Wohnbetreuung:

  • Người được giúp đỡ sống trong căn hộ riêng (Betreutes Einzelwohnen – BEW)
  • Người được giúp đỡ sống trong căn hộ tập thể với nhiều người được giúp đỡ khác (Therapeutische Wohngemeinschaft – TWG)