Tâm thần phân liệt

Thế nào là các tâm thần phân liệt?

Nếu một người mắc bệnh tâm thần phân liệt thì cách họ nhìn nhận môi trường và con người xung quanh mình có thể sẽ khác đi so với trước. Có thể họ sẽ nghe thấy, nhìn thấy, ngửi thấy hoặc cảm nhận được những điều mà người khác không thấy. Cũng có thể họ có những suy nghĩ gây sợ hãi, hoặc có cảm giác người khác có thể đọc được hay điều khiển suy nghĩ của họ, hoặc có suy nghĩ người khác muốn hại họ.

Tâm thần phân liệt trong tiếng Đức là „Schizophrenie“, được cấu tạo bởi: „schizo“ theo tiếng Hy lạp cổ có nghĩa là „tách/phân ra“ và „phren“ có nghĩa là „linh hồn“ hoặc „tâm hồn“. Nhưng „Schizophrenie“ không có nghĩa là „sự phân tách não“ mà muốn nói đến rối loạn trong sự hòa hợp các chức năng tâm lý và nhận thức. Các tâm thần phân liệt không phải là một thực thể bệnh mà là một nhóm các rối loạn tâm lý với triệu chứng tương tự nhau.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành các tâm thần phân liệt. Không có một nguyên nhân duy nhất gây ra tâm thần phân liệt. Giống như các bệnh mãn tĩnh phổ biến như bệnh tiểu đường, bệnh hen suyễn hoặc bệnh huyết áp cao, thì người ta cho rằng, có nhiều yếu tố trong các giai đoạn hình thành bệnh tương tác với nhau và sau đó mới phát triển thành bệnh được chuẩn đoán lúc đó. Đó là sự tương tác của các yếu tố di truyền, các yếu tố nguy cơ thời thơ ấu và ngay cả các yếu tố nguy cơ trong khi mang thai với các yếu tố môi trường trong lúc người đó trưởng thành. Cụ thể các yếu tố đó có thể là: các trải nghiệm bị đối xử phân biệt, lớn lên tại một thành phố lớn, sự tiêu thụ/hút cần sa vào một độ tuổi sớm hoặc trải nghiệm nhập cư.

Các triệu chứng của Tâm thần phân liệt

Các triệu chứng của các tâm thần phân liệt là kết quả của sự rối loạn trong sự chuyển tiếp thông tin và quá trình xử lý thông tin của não bộ. Người ta cho rằng, sự trao đổi thông tin tế nhị qua sự đồng bộ hóa của các tế bào thần kinh, bằng cách giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh, không hoạt động một cách tối ưu nữa. Thường họ cũng gọi đó là rối loạn trong việc chắt lọc thông tin. Các thông tin quan trọng và không quan trọng không được phân biệt rõ ràng nữa. Những cảm nhận/nhận thức phụ nhỏ nhặt tầm thường lại được chú trọng bởi người đó.

Các triệu chứng của các tâm thần phân liệt vì vậy thường là sự kết hợp của các rối loạn trong nhận thức, suy nghĩ, hành động và sự điều khiển cảm xúc. Những sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ hoặc hành động được chia thành hai nhóm triệu chứng: triệu chứng dương tính (khi một điều mới xuất hiện thêm trong cảm nhận) và triệu chứng âm tính (khi một chức năng sẵn có giảm sút hiệu quả hoặc mất đi).

Triệu chứng dương tính tiêu biểu của các tâm thần phân liệt là:

  • Rối loạn nhận thức hoặc sự ảo giác nói đến các cảm nhận/cảm giác mà không được khơi gợi bởi một yếu tố nào đó bên ngoài mà người cảm nhận lại cho rằng là những cảm nhận/cảm giác đó là thực. Hơn một nửa số bệnh nhân có ảo giác thính giác dưới dạng tiếng nói của con người. Tuy ảo giác tiếng nói phổ biến nhất trong các rối loạn nhận thức nhưng sự ảo giác có thể xuất hiện ở bất kỳ giác quan nào: thính giác, thị giác, xúc giác, vị giác và khứu giác.
  • Sự hoang tưởng hoặc rối loạn nội dung suy nghĩ: Suy nghĩ của người mắc bệnh đối với người khác là không mạch lạc, rời rạc và họ không thể hiểu được chúng. Bệnh nhân có thể có những niềm tin do sự thay đổi trong nhận thức . Chúng khó có thể sửa đối được, mặc dù người khác cố gắng thuyết phục họ. Bệnh nhân có thể có tin rằng họ đang bị ám hại, bị theo dõi, bị điều khiển hoặc bị nghe trộm.
  • Các rối loạn thuộc về cái tôi bao gồm sự thay đổi trong cách nhận thức về bản thân. Bệnh nhân không có khả năng phân biệt giữa con người mình bao gồm các suy nghĩ, hành động của bản thân với môi trường bên ngoài. Ví dụ là người bệnh cho rằng, những suy nghĩ của họ được người khác cấy vào não của họ hoặc hành động của họ được điều khiển từ bên ngoài.

Nhóm các triệu chứng âm tính với đặc điểm là sự mất đi các chức năng, mà như trong sự giao tiếp xã hôi thường được mong chờ, bao gồm một số ví dụ sau:

  • Sự thiếu động lực và sự chủ động: Người bệnh thường dành quá nhiều thời gian ở nhà hoặc ở trên giường và không có động lực làm một việc nào đó. Họ có thể không chú trọng đến ngoại hình của mình và nhu cầu tự chăm sóc bản thân có thể giảm đi. Nhưng khác với bệnh nhân mắc rối loạn trầm cảm, người mắc các tâm thần phân liệt không có cảm giác tội lỗi, không tự trách móc bản thân và không có tâm trạng buồn chán. Rối loạn trong sự tập trung, rối loạn khả năng sắp xếp công việc thường nhật trong ngày hoặc rối loạn khả năng hành động có kế hoạch tổ chức cũng thuộc triệu chứng âm tính.
  • Trầm cảm. Ở các tâm thần phân liệt cũng xuất hiện những triệu chứng của rối loạn trầm cảm như sự mất đi sự thích thú, tâm trạng buồn chán, sự tự trách móc bản thân, sự vô vọng hoặc sự cô lập mình khỏi các mối quan hệ xã hội.
  • Rối loạn cảm xúc có nghĩa là những cảm xúc hoặc sự bộc lộ cảm xúc của người bệnh thường không được phù hợp với tình huống theo quan sát của người ngoài. Trong mắt người xung quanh họ thì bệnh nhân thường phản ứng với cảm xúc không phù hợp hay đối lập so với tình huống yêu cầu. Một số bênh nhân khác thì người xung quanh cảm nhận rằng họ nghèo nàn về mặt cảm xúc. Sự vắng mặt phản ứng cảm xúc và sự bằng phẳng trong thế giới cảm xúc với rối loạn trong việc bộc lộ cảm xúc đang được cảm nhận mà người xung quanh quan sát được, khiến cho họ nghĩ rằng bệnh nhân không thể hoàn toàn hạnh phúc hoặc buồn rầu được.

Sự lâm bệnh và sự phổ biến

Thông người ta lâm bệnh lần đầu vào tuổi vị thành niên hoặc/và thanh niên trẻ. Thỉnh thoảng cũng có người tren 40 tuổi lâm bệnh lần đầu. Tỷ lệ người mắc bệnh ở giới nam và giới nữ là gần bằng nhau. Tuy nhiên ở giới nam, các triệu chứng đầu tiền thường xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn. Trong suốt cuộc đời khoảng 1% dân số sẽ nhận được sự chuẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng tâm thần phân liệt không phải ở ai cũng phát triển thành bệnh mãn tính. 75% các trường hợp thì các tâm thần phân liệt bắt đầu với giai đoạn tiền tâm thần phân liệt mà có thể kéo dài nhiều năm cho đến khi chuẩn đoán bệnh chính thức được đưa ra, do sự xuất hiện của các triệu chứng dương tính (như ảo tưởng, ảo giác hoặc rối loạn nội dụng suy nghĩ). Trong giai đoạn tiền tâm thần phân liệt này thì nhiều người bệnh có những triệu chứng không đặc trưng như trầm cảm, sự rút lui bản thân khỏi môi trường xung quanh, cảm giác khó chịu căng thẳng trong lòng, rối loạn giấc ngủ hoặc sự khó tập trung.

Quá trình phát triển của tâm thần phân liệt là như thế nào?

Quá trình phát triển của các tâm thần phân liệt rất khác biệt. Một số người mắc bệnh chỉ trải qua một cơn tâm thần phân liệt trong cả đời. Phần lớn những người mắc bệnh trải qua một vài cơn bệnh với triệu chứng dương tính. Có người lại trải qua nhiều cơn bệnh trong cuộc đời của họ. Nếu được chữa trị thì giữa các cơn bệnh các triệu chứng gần như biến mất và có sự tiến bộ trong các chức năng tâm lý – xã hội. Người mắc bệnh có thể đi học, đi làm hoặc duy trì các mối quan hệ bình thường. Tuy nhiên một phần các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi tâm thần phân liệt lâu dài, như trong trường hợp với các bệnh lý khác mà có thể có ảnh hưởng lâu dài đến chúng ta. Những bệnh nhân bị ảnh hưởng lâu dài như thế này thì trong quá trình tiến triển bênh của họ chủ yếu là các triệu chứng âm tính. Nhưng nếu bệnh được chữa trị sớm và việc chữa trị được duy trì thì sự xuất hiện của các cơn bệnh tiếp thep được giảm đi rõ ràng.

 Có những cách điều trị nào?

Bệnh được chữa trị càng sớm thì khả năng sẽ cao hơn là bệnh sẽ tiến triển tốt. Để chữa trị các tâm thần phân liệt thành công, một căn bệnh rất phức tạp, phải kết hợp nhiều phương pháp trị liệu và biện pháp.

  • Trị liệu dược lý: Các thuốc chống tâm thần phân liệt có thể giúp giảm các triệu chứng như ảo giac, ảo tưởng, rối loạn suy nghĩ. Ở nhiều người thuốc này có thể chữa khỏi hẳn các triệu chứng đó. Có các loại thuốc chống tâm thần phân liệt khác nhau. Việc kê thuốc phù hợp cho bệnh nhân là phụ thuộc vào các triệu chứng của họ. Thế nên rất quan trọng là bác sỹ tâm thần cùng với bệnh nhân hợp tác tốt với nhau tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với ít tác dụng phụ với họ.
  • Trị liệu tâm lý: Đặc biệt là liệu pháp nhận thức – hành vi và các phương pháp dựa vào sức mạnh/tiềm năng phát triển sẵn có của bệnh nhân cho thấy có hiệu quả tốt trong việc điều trị. Ví dụ là bệnh nhân học cách củng cố lòng tự tôn, học kỹ năng giải tỏa căng thẳng, ky năng giải quyết các vấn đề và kỹ năng xã hôi. Sự ngăn cản sự tái phát bệnh và giáo dục về bệnh tâm lý cũng là một mảng quan trọng trong chương trình điều trị. Ở đó bệnh nhân học cách nhận biết những dấu hiệu tái phát bệnh một cách kịp thời và qua đó trở thành chuyên gia về chính căn bệnh của mình. Hơn nữa liệu pháp siêu nhận thức cũng được sử dụng. Trọng tâm của liệu pháp này là về cấu trúc và sự nhận thức về các suy nghĩ của mình.
  • Trị liệu xã hội: Các nhân viên xã hội có thể hỗ trợ bệnh nhân trong những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, công việc, đào tạo và giáo dục hoặc vấn đề nhà cửa.
  • Các biện pháp tâm lý – xã hội khác: Để thúc đẩy quá trình phục hồi bệnh và hội nhập vào xã hội, bệnh nhân có thể đăng ký các biện pháp tâm lý – xã hội. Ví dụ như là mô hình sinh sông có người trông coi hay điều dưỡng một mình, các biện pháp cho sự tái nhập vào công việc hoặc là các biện pháp y học để hồi phục sức khỏe. Các việc làm trong trị liệu thủ công có thể giúp người bệnh rèn luyện sức bền, lên kế hoạch cho các hoạt động các ngày tốt hơn và tăng động lực.
  • Công tác với người thân của bệnh nhân: Căn bệnh không chỉ thay đổi cuộc sống của bệnh nhân mà còn cả cuộc sống của người thân của họ. Tại nhóm người thân với có người nhà bị bệnh, họ có thể trao đổi với những người khác cũng trong hoàn cảnh tương tự.

 

Dựa vào một bài viết của:

Eric Hahn, Thị Minh Tâm Tạ, Thị Main Hương Nguyễn

 

Các tài liệu tham khảo:

Selten, J. P., van Os, J. & E. Cantor-Graae. The social defeat hypothesis of schizophrenia: issues of measurement and reverse causality. World Psychiatry 15, 3 (2016).

Kahn, RS. et al. Schizophrenia. Nature Reviews Disease Primers 1 (2015).

Ripke, S. et al. Biological insights from 108 schizophrenia-associated genetic loci. Nature 511, 421–427 (2014).

Owen, M. J. New approaches to psychiatric diagnostic classification. Neuron 84, 564–571 (2014).

Howes, O. D., R. M, Murray. Schizophrenia: an integrated sociodevelopmental-cognitive model. Lancet 383, 1677–1687 (2014).

Leucht, S. et al. Comparative efficacy and tolerability of 15 antipsychotic drugs in schizophrenia: a multiple-treatments meta-analysis. Lancet 382, 951–962 (2013).